Hòa Bình tham dự Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Hồ Đức Phớc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Thượng tướng Võ Minh Lương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cùng các ủy viên của Ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố là trưởng Ban Chỉ đạo 389 các địa phương và thành viên; lãnh đạo cấp vụ của các bộ, cơ quan liên quan.
Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình tham dự Hội nghị.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hòa Bình
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng Trung ương và các địa phương đã chủ động triển khai toàn diện, nhanh chóng và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết quả của lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021); trong đó, có 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,72% so với cùng kỳ năm 2021); 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61% so với cùng kỳ năm 2021). Thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình: các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 283 vụ; Tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế: 18.458 triệu đồng; Trị giá hàng hóa tịch thu trong kỳ 358 triệu đồng. Điển hình:
- Đội QLTT số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình, kiểm tra Công ty Cổ phần Việt Pháp Victory, có địa chỉ: Xóm Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Kết quả kiểm tra phát hiện Công ty Cổ phần Việt Pháp Victory gia công hàng hoá mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Đội QLTT số 1 hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Quản lý thị trường trình Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Việt Pháp Victory đã có hành vi vi phạm: Gia công hàng hoá mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Phạt tiền: 228.000.000 đồng; trị giá hàng hoá vi phạm: 266.325.600 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá vi phạm (Đối với chai mang nhãn hiệu JINRO hoặc HITEJINRO) 02 tháng đối với hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu huỷ yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm.
- Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm tra hoạt động tập kết, kinh doanh khoáng sản (cát, sỏi) đối với Công ty TNHH Hùng Dũng, địa chỉ: phố Ngọc, phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Qua kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm khai thác khoáng sản cát lòng sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ngày 21/01/2022 trình UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực khoáng sản với số tiền là 250.000.000 đồng, tịch thu khoáng sản đã khai thác trị giá 4.676.000 đồng.
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo một số Bộ, Ngành Trung ương và Lãnh đạo một số địa phương đã phát biểu, làm rõ những kết quả đạt được; đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng về những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các lực lượng chức năng, nhất là vào dịp cuối năm. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Cảnh sát biển cần tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ nhất, thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là đối với các lực lượng chức năng tham gia vào công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ hai, nhận diện được các vấn đề nổi cộm hiện nay, đặc biệt là phương thức, thủ đoạn buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả; rà soát, hoàn thiện văn bản pháp lý, trong đó có tham mưu, sửa đổi, bổ sung nghị định và các thông tư hướng dẫn liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ ba, phối hợp chia sẻ, cung cấp thông tin liên thông giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương; vận động người dân tham gia tố giác tội phạm như công khai đường dây nóng, email của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ tư, thu thập thông tin truy tìm tận gốc xuất xứ của các mặt hàng lậu, hàng giả, nhất là các mặt hàng dược phẩm, xăng dầu…
Thứ năm, tiếp tục xây dựng các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình mới nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Thứ sáu, các cơ quan thông tấn, báo chí cần nêu lên vụ việc vi phạm, cũng như vận động người dân tham gia tố giác tội phạm, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc nói không với sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ…
Thứ bảy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch đấu tranh cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến hàng không, đường bộ dịp cuối năm, nhất là các tỉnh, thành phố có đường biên giới.
Kết thúc Hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Chương yêu cầu các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng BCĐ 389 Quốc gia. Chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Đảm bảo bình ổn giá các loại mặt hàng thiết yếu không để tăng giá ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng./.