Thẩm quyền của lực lượng QLTT trong xử phạt VPHC về lĩnh vực trồng trọt
Theo đó, Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt.
Các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt không quy định tại Nghị định Nghị định 31/2023/NĐ-CP thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.
* Về Đối tượng áp dụng
Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân), hộ gia đình, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt trên lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
* Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt là 01 năm. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm trong các trường hợp sau:
1. Vi phạm hành chính về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
2. Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng.
3. Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.
* Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hình thức xử phạt chính:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Các hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc Quyết định công nhận giống cây trồng mới; Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống; Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Giấy phép nhập khẩu phân bón; Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón hoặc Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm phân bón;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
3. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
c) Buộc bổ sung mẫu lưu hoặc cung cấp mẫu lưu giống cây trồng đảm bảo chất lượng hoặc buộc lưu mẫu theo đúng quy định;
d) Buộc nộp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đó;
đ) Buộc tiêu hủy hoặc buộc chuyển đổi mục đích sử dụng giống cây trồng đối với vi phạm về sản xuất, buôn bán, kiểm định giống cây trồng; buộc tiêu hủy hoặc buộc tái xuất giống cây trồng đối với vi phạm về nhập khẩu giống cây trồng;
e) Buộc phải lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm giống cây trồng đúng quy định;
g) Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm; kết quả lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; kết quả kiểm định lô giống; kết quả phân tích, thử nghiệm chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng;
h) Buộc xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt của đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước khi xây dựng công trình;
i) Buộc thực hiện bóc riêng tầng đất mặt của đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước theo phương án sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình;
k) Buộc thu hồi phân bón để thử nghiệm lại; sử dụng đúng mục đích nhập khẩu ghi trong Giấy phép nhập khẩu phân bón;
l) Buộc tiêu hủy đối với phân bón được sản xuất không đúng loại phân bón, dạng phân bón được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc khi đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam;
m) Buộc tái xuất, tái chế hoặc tiêu hủy phân bón;
n) Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm phân bón; kết quả lấy mẫu phân bón; kết quả thử nghiệm chất lượng phân bón;
o) Buộc thu hồi và tiêu hủy các loại hồ sơ, tài liệu;
p) Buộc nộp lại quyết định, giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp quyết định, giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.
* Về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền
1. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt (trừ phân bón) đối với cá nhân là 50.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về phân bón đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.
3. Mức phạt tiền quy định tại chương II, chương III của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại chương IV của Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.
* Thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường
1. Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.
2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, đ, k, l và p khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
3. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, k, l, m và p khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
4. Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt (trừ phân bón); phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với phân bón;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, k, l, m và p khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
* Nghị định Nghị định 31/2023/NĐ-CP thay thế các quy định tại các văn bản sau đây:
- Các nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giống cây trồng quy định từ Điều 1 đến Điều 18 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
- Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại các Điều 32, 39 và 40 của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
- Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón;
- Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y./.