Hòa Bình tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP cùng các thành viên của hai Ban Chỉ đạo 389QG và 138/CP là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Trưởng Ban Chỉ đạo 389, Ban Chỉ đạo 09 (Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của địa phương) và thành viên của hai Ban Chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ảnh: Đc Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu khai mạc Hội nghị
Ảnh: Đc Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực, Thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tại Hội nghị
Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, đồng chí Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cùng các đồng chí Phó Trưởng ban, các thành viên của hai Ban Chỉ đạo 389 và Ban Chỉ đạo 09 tỉnh Hòa Bình tham dự Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2023 cơ quan chức năng Trung ương và các địa phương đã chủ động triển khai toàn diện, nhanh chóng và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 14.570,347 tỷ đồng (tăng 14,97% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05% so với cùng kỳ), 724 đối tượng (tăng 0,56% so với cùng kỳ).
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình
Trong năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình: Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.095 vụ (tăng 12,19% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó: 40 vụ về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 1055 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế. Tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế: 137.548 triệu đồng (bằng 227,1% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số tiền phạt VPHC: 38.946 triệu đồng (bằng 240,28% so với cùng kỳ năm 2022); Tiền thu phạt bổ sung và truy thu: 98.602 triệu. Điển hình như: Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 1.142 vụ, xử lý 504 vụ, phạt vi phạm hành chính 2.175.189.738đ (tăng 25,7% so với cùng kỳ), Hàng hoá là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu 487.757.000 đồng. Lực lượng Công an đã phát hiện xử lý 102 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phạt vi phạm hành chính 871.850.000 đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm 1.191.997.223 đồng và 42 bình khí, số tiền buộc nộp lại từ thu lợi bất hợp pháp: 109.339.240 đồng. Cơ quan Thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra 394 doanh nghiệp vi phạm hành chính với tổng số tiền truy thu, tiền phạt là 133.359 triệu đồng
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo một số Bộ, Ngành Trung ương và Lãnh đạo một số địa phương đã phát biểu, làm rõ những kết quả đạt được; đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham luận tại Hội nghị
Năm 2024, tình hình chính trị - an ninh thế giới, khu vực, xung đột giữa Nga với Ukraine, giữa Israel với lực lượng Hamas tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; giá cả, cung ứng các mặt hàng thiết yếu tiếp tục tiềm ẩm biến động phức tạp, là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống Nhân dân, gây tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương và hàng giả năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần quán triệt, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Quán triệt, thực hiện hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
- Chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, các hoạt động nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý;
+ Nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý, phụ trách; đối tượng, mặt hàng và hoạt động nổi lên; làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; nhận diện 14 phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; thực hiện hiệu quả chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
+ Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chuyên đề, cao điểm, giải pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
+ Chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp các lực lượng, đơn vị, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm;
+ Tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo của tổ chức, cá nhân; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả 04 năm công tác tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường dây nóng;
- Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chính sách, pháp luật liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
- Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác của đơn vị, địa phương mình quản lý./.