Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình dự Hội nghị trực tiếp, trực tuyến giao giao ban công tác Quý I, Tổng kết cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đại diện các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trung ương, cơ quan báo chí và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình
Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, dự Hội nghị có sự tham gia của đồng chí Đinh Công Sứ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh; các đồng chí là Lãnh đạo các Ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
Quý I năm 2023, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các quy định về phòng, chống dịch được điều chỉnh, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành khách, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu hoạt động bình thường. Đáng chú ý, ngày 08/01/2023, Trung Quốc đã quyết định khôi phục trở lại các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền tiếp giáp với Việt Nam. Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới, tuyến biên giới biển, cảng biển, các vùng biển và các địa bàn nội địa trọng điểm tuy không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Nổi lên, các hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, đường cát, hàng đông lạnh, thực phẩm… không rõ nguồn gốc. Kết quả trong Quý I năm 2023 toàn quốc: Các Bộ, Ngành chức năng, BCĐ 389 các tỉnh, thành phố đã bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022); 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022); 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 30,93% so với cùng kỳ năm 2022); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng (tăng 76,66% so với cùng kỳ năm 2022); khởi tố hình sự 278 vụ/679 đối tượng.
Đối với tỉnh Hòa Bình, tình hình thị trường hàng hoá trong Quý I năm 2023 trên địa bàn diễn ra sôi động hơn do nhu cầu mua sắm của nhân dân phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão, các doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng, cung cấp hàng hoá đảm bảo về chất lượng, đẹp về mẫu mã và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nên thị trường tỉnh Hoà Bình ổn định và không có biến động lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Quý I năm 2023 ước đạt 16.110 tỷ đồng, thực hiện 25,98% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng đến tháng 3/2023 ước tăng 0,33% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng Quý I năm 2023 tăng chủ yếu do tăng giá các nhóm: lương thực, thực phẩm; đồ uống; may mặc; thiết bị và đồ dùng gia đình; văn hóa giải trí và du lịch.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả địa bàn nội địa, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ vẫn còn diễn ra. Các đối tượng làm giả các loại hàng hóa tiêu dùng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như bánh kẹo, mỳ chính, rượu, xăng dầu, thuốc, thuốc tân dược... Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, mua sắm trên trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện… để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh, thành phố. Hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thực phẩm không rõ nguồn gốc (nội tạng động vật, đồ ăn chế biến sẵn đông lạnh…), quần, áo, giày dép, đồ chơi trẻ em… gia tăng, diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Hòa Bình là tỉnh nằm sâu trong nội địa không có sân bay, bến cảng, cửa khẩu nên các hoạt động có liên quan đến buôn lậu chủ yếu là ở khâu trung chuyển, lưu thông hàng hóa qua tuyến QL6, đường Hồ Chí Minh. Trong quý, thị trường tỉnh Hoà Bình ổn định, tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác tuy vẫn còn diễn ra nhưng số vụ vi phạm nhỏ, không có đường dây, ổ nhóm hoặc có tổ chức; số lượng hàng hóa vi phạm không lớn, quy mô nhỏ lẻ và giá trị không cao.
Các ngành chức năng, BCĐ 389 các huyện, thành phố thuộc BCĐ 389 tỉnh Hòa Bình đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 187 vụ. Tổng số tiền xử phạt VPHC 1.013 triệu đồng. Cụ thể: Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 138 vụ, tổng số tiền xử phạt VPHC và trị giá hàng hoá tịch thu: 462,43 triệu đồng. Lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 30 vụ (Khởi tố vụ án hình sự: khởi tố 01 vụ, 03 đối tượng), phạt vi phạm hành chính 150,4 triệu đồng. Sở Y tế chủ trì 07 đoàn kiểm tra, giám sát, phạt vi phạm hành chính 2,75 triệu đồng. Cục Thuế tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt đối với 03 doanh nghiệp vi phạm hành chính với tổng số tiền truy thu và xử phạt là 128,9 triệu đồng. Lực lượng Kiểm lâm đã xử lý 14 vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 314,5 triệu đồng.
Dự báo 9 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình: Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động. Do đó, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các Ngành thành viên phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018; Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các Ngành chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố chủ động nắm bắt địa bàn, đối tượng; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công, phụ trách, quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh./.