Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Việc triển khai Kế hoạch nhằm mục đích tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận thương mại đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái quy định của pháp luật… góp phần ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa với chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
(Ảnh minh họa)
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng chủ động nắm vững diễn biến tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, tăng cường các biện pháp kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán trực tuyến, các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, có sức lan tỏa sâu, rộng; công khai kết quả kiểm tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa.
Chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá, hành vi gian lận giả mạo xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu... Công tác kiểm tra, kiểm soát phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân, làm cản trở sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Tăng cường quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trách nhiệm và hiệu quả giải quyết công việc; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý kiên quyết không có “vùng cấm”. Tăng cường công tác phối hợp, tránh chồng chéo, bỏ sót đối tượng, bỏ trống địa bàn, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả; các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Các lực lượng chức năng căn cứ vào tình hình thực tế của từng đơn vị để lập kế hoạch, phương án triển khai phù hợp; chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công bố công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện đầy dủ, nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Chi tiết xem tại Kế hoạch số 158/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh./.